Thị trường phân bón đang hỗn loạn
Thị trường phân bón Việt Nam đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và các nhà sản xuất phân bón trong nước đang kỳ vọng một giải pháp mạnh tay từ phía Chính phủ để thiết lại trật tự cho thị trường này.
Thật giả lẫn lộn
Theo Hội Nông dân Việt Nam, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang diễn ra tràn lan trên thị trường, diễn biến phức tạp không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn gây tâm lý bất an, bức xúc cho người nông dân. Theo Hội này, mỗi năm các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra hàng ngàn vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng với khối lượng hàng chục ngàn tấn.
Nhưng đó chỉ là bề nổi, còn rất nhiều vụ vi phạm khác vẫn không được phát hiện và xử lý kiên quyết. Hiệp hội phân bón Việt Nam nói rằng vụ công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dĩnh dưỡng 53% nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%; hay vụ Cty Đông Hải (Đà Nẵng) trên giấy phép bao bì đăng ký NPK tổng hàm lượng dĩnh dưỡng 53% nhưng khi kiểm tra chỉ có gần 3%…chỉ là những biểu hiện nhỏ lẻ.
Bí mật điều tra vài năm nay, Hiệp hội này đi đến khẳng định: cả nước đang có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng và bán ra trên 48 tỉnh thành để thu lợi bất chính. Thậm chí, Hiệp hội này còn cho rằng không loại trừ có nhóm lợi ích, sự bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ cho các đối tượng có hành vi gian dối trong hoạt động sản xuất buôn bán mặt hàng này.
Tiếp tay cho tình trạng hỗn loạn thị trường phân bón còn có sự “góp mặt” của các trung tâm khảo nghiệm kiểm định. Báo cáo kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT phát đi vào cuối tháng 4/2016 cho thấy, qua kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định thì 100% đơn vị đều vi phạm các nghị định và thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón.
“11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục ngàn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp. Đây là các tổ chức khoa học mang tính công bằng và pháp lý mà cố tình sai phạm như trên thì hậu quả cuối cùng là đổ trên đầu người nông dân”- ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam bức xúc.
Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, mỗi năm qua thanh, kiểm tra, cơ quan này cũng phát hiện khoảng 4000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
“Chết lâm sàng” vì chi phí cao
Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước mỗi năm ước tính khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm hơn 80% nhu cầu và phân bón hữu cơ và phân bón khác chiếm khoảng 20%. Năng lực sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng được nhu cầu, một số loại phân còn có khả năng sản xuất vượt nhu cầu.
Thế nhưng hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực phân bón lại đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật thuế số 71, tình trạng nhập khẩu ure tăng 652 ngàn tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng ure nhập khẩu tiếp tục tăng gần 360 ngàn tấn, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 đã làm cho hàng loạt nhà máy sản xuất trong nước nước đồng loạt giảm công suất.
Đạm Ninh Bình công suất từ 550 ngàn tấn giảm xuống còn 150 ngàn tấn nhưng vẫn không bán được, thiệt hại hơn 2000 tỷ đồng; Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3000 tấn nay chỉ bán được 2000 tấn; Công ty phân đạm Hà Bắc công suất 550 ngàn tấn nay giảm xuống tới 40% công suất nhưng giá ure bán ra vẫn giảm tới 20% gây thiệt hại gần 900 tỷ đồng….
Sỡ dĩ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn là do chính sách hiện tại không ủng hộ họ mà đang kích thích, làm lợi cho các nhà nhập khẩu phân bón. Một số doanh nghiệp cho biết, theo Luật thuế số 7, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT từ nhập khẩu đến sản xuất và thương mại bán ra.
Ông Bùi Mạnh Tiến, TGĐ Đạm Cà Mau cho rằng: Mặc dù, mục tiêu khi ban hành là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và hỗ trợ cho nông dân có điều kiện sản xuất, cả thiện đời sống tốt hơn. Nhưng khi thực hiện thì Luật thuế số 71 đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập.
Theo các nhà sản xuất phân bón trong nước, khi mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ đầu vào khác vẫn phải mua với giá có thuế VAT để sản xuất phân bón nhưng không được nhà nước hoàn lại như trước nên doanh nghiệp phải tính đưa vào chi phí giá thành sản xuất và giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh và tạo lợi thế cho phân bón nhập khẩu.
Theo vị này, việc điều chỉnh mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT vô hình chung cũng khiến nông dân phải mua phân bón giá đắt và nông dân cũng không được hưởng lợi như mục tiêu ban đầu đặt ra khi xây dựng Luật.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân để thị trường phân bón rơi vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay là do còn có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước giữa 2 bộ: Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Theo quy định hiện hành, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý từ 5-8% các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác, còn 90% phân bón vô cơ là thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương. Việc chồng chéo trong quản lý gây khó khăn cho các Bộ trong việc quản lý nhà nước về phân bón, đặc biệt trong công ác thanh kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón, quản lý thị trường phân bón.